HPCViet’s blog

Tổng hợp chia sẻ kiến thức pha chế

Lịch sử của “Punch” (phần 2)

Lịch sử của “Punch” (phần 2)

Những công thức Punch đã góp phần không nhỏ giúp các thủy thủ người Anh trên chuyến hải trình của họ, vì chất chua trong Punch giúp kháng lại bệnh “scurvy” – một căn bệnh thiếu hụt vitamin C rất phổ biến thường xảy ra với những người đi biển. Khi họ trở về quê nhà, dĩ nhiên là mang theo bên mình rất nhiều rượu, trong số đó không thể thiếu những chai Arrack mà họ đã lấy được từ những nước thuộc địa.

Một trào lưu mới bắt đầu, người ta có thể ghé ngang bến thuyền để uống một vài ly rượu Punch với các thủy thủ. Các chủ tàu thường sẽ mời bạn bè của họ lên tàu và cùng nhau thưởng thức một tô rượu Punch, như thể đó là một nét văn hóa thường nhật vậy.

f:id:HPCViet:20191002171638p:plain

David Wondrich đang phục vụ một ly Punch

Vào giữa thế kỉ 17, các món Punch làm từ rượu Arrackrượu Rum đã trở nên phổ biến và là thức uống không thể thiếu trong các hàng quán ở Anh Quốc. Đối với các ông chủ, thì Punch là một cách kiếm bộn tiền vì họ không bị đánh thuế, do đó mà đâu đâu cũng thấy Punch và người uống Punch.

Nó trở thành thức uống được giới quý tộc ưa chuộng trong suốt hàng trăm năm trời. Rượu mạnh, trà, vị chua, đường, hạt nutmeg bỗng dưng trở thành những thứ nguyên liệu đắt đỏ. Ở cuối thế kỉ 17, một tô rượu Punch có giá bằng nửa tuần lương, vì thế mà nó dần biến thành một thứ gì đó như để khoe của. Có một số ghi chép về những món Punch được chứa trong những chiếc tô to đến nỗi có thể để vừa 3 đứa trẻ và còn có trường hợp người ta phải nấu chảy tiền đồng ra để đúc thành tô chứa rượu.

Sáng tạo ra món Cocktail Punch

Ngay sau khi Anh Quốc đặt dấu chân thuộc địa của mình lên các quốc gia có nhiều mía, vốn là thứ để sản xuất đường, thì rượu Rum đã trở thành thứ rượu ưa thích để dùng trong các công thức Punch của cả giới quý tộc lẫn các thủy thủ. Hải Quân Hoàng Gia Anh đã nhanh chóng thay đổi khẩu phần hàng ngày của các thủy thủ từ bia sang một chai Rum. Điều này có lợi cho các chuyến hải trình rất nhiều vì rượu thì khó hư hỏng hơn bia và chiếm ít diện tích hơn các thùng bia. Ở thời điểm này, người Anh đang gặp khó khăn trong việc mua rượu Brandy từ Pháp do hai bên đang có xung đột quân sự nên Rum dường như là lựa chọn tốt nhất thời bấy giờ.

 

Người ta cũng kể rằng ngay sau khi nước Mỹ giành lại độc lập từ Anh Quốc, những nhân vật cộm cán trong chính phủ đầu tiên đã uống tận 76 tô Punch để ăn mừng. Công thức đó cũng được ghi chép lại như sau: “4 thùng bia, 55 gallon (cỡ 208 lít ) rượu Rum, 59 pounds (tương đương 26 kg) đường và 465 trái chanh vàng.”

 

Đáng tiếc là sang thời kì Victorian, người ta bắt đầu uống rượu theo một phong cách khác và những món Punch dần rơi vào quên lãng. Charles Dickens cũng từng viết một bài đăng trên một tờ báo vào thời đó để kể về thời kì huy hoàng của những tô rượu Punch, khi mà chúng luôn được chuẩn bị sẵn và luôn trong tư thế phục vụ mọi người. Nhưng giờ đây thì chẳng ai còn nhớ tới chúng nữa. Một phần cũng là do người ta đã thay đổi lối sống khi mà thế giới đang ngày một phát triển. Việc cả ngày ngồi quây quần bên một cái bàn với một tô chứa rượu hổ lốn đã trở thành một thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Khi mà người ta bận rộn kiếm tiền hơn thì việc uống rượu cũng trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Đến thời điểm Jerry Thomas – người được xem là ông tổ nghề bartender viết ra cuốn sách đầu tiên của mình, thì các món Punch dường như đã hoàn toàn biến mất.

 

Ở thế kỉ 21, bằng cách nào đó, các món Punch đang dần trở nên thịnh hành một lần nữa. Một thế hệ những người thích thưởng rượu mới đã và đang tận hưởng sự thú vị của những công thức Punch mới mẻ. Tại quán bar Dead Rabbit ở New York, các bartender phục vụ Punch như một “welcome drink” cho khách, trong khi đó, ở London, quán Punch Room – nơi mà chỉ bán các món Punch, là quán bar chuyên về Punch duy nhất trên thế giới từ thế kỉ 17 đến nay.

-T-

#cauchuyencocktail #punch