HPCViet’s blog

Tổng hợp chia sẻ kiến thức pha chế

Lịch sử của “Punch” (phần 2)

Lịch sử của “Punch” (phần 2)

Những công thức Punch đã góp phần không nhỏ giúp các thủy thủ người Anh trên chuyến hải trình của họ, vì chất chua trong Punch giúp kháng lại bệnh “scurvy” – một căn bệnh thiếu hụt vitamin C rất phổ biến thường xảy ra với những người đi biển. Khi họ trở về quê nhà, dĩ nhiên là mang theo bên mình rất nhiều rượu, trong số đó không thể thiếu những chai Arrack mà họ đã lấy được từ những nước thuộc địa.

Một trào lưu mới bắt đầu, người ta có thể ghé ngang bến thuyền để uống một vài ly rượu Punch với các thủy thủ. Các chủ tàu thường sẽ mời bạn bè của họ lên tàu và cùng nhau thưởng thức một tô rượu Punch, như thể đó là một nét văn hóa thường nhật vậy.

f:id:HPCViet:20191002171638p:plain

David Wondrich đang phục vụ một ly Punch

Vào giữa thế kỉ 17, các món Punch làm từ rượu Arrackrượu Rum đã trở nên phổ biến và là thức uống không thể thiếu trong các hàng quán ở Anh Quốc. Đối với các ông chủ, thì Punch là một cách kiếm bộn tiền vì họ không bị đánh thuế, do đó mà đâu đâu cũng thấy Punch và người uống Punch.

Nó trở thành thức uống được giới quý tộc ưa chuộng trong suốt hàng trăm năm trời. Rượu mạnh, trà, vị chua, đường, hạt nutmeg bỗng dưng trở thành những thứ nguyên liệu đắt đỏ. Ở cuối thế kỉ 17, một tô rượu Punch có giá bằng nửa tuần lương, vì thế mà nó dần biến thành một thứ gì đó như để khoe của. Có một số ghi chép về những món Punch được chứa trong những chiếc tô to đến nỗi có thể để vừa 3 đứa trẻ và còn có trường hợp người ta phải nấu chảy tiền đồng ra để đúc thành tô chứa rượu.

Sáng tạo ra món Cocktail Punch

Ngay sau khi Anh Quốc đặt dấu chân thuộc địa của mình lên các quốc gia có nhiều mía, vốn là thứ để sản xuất đường, thì rượu Rum đã trở thành thứ rượu ưa thích để dùng trong các công thức Punch của cả giới quý tộc lẫn các thủy thủ. Hải Quân Hoàng Gia Anh đã nhanh chóng thay đổi khẩu phần hàng ngày của các thủy thủ từ bia sang một chai Rum. Điều này có lợi cho các chuyến hải trình rất nhiều vì rượu thì khó hư hỏng hơn bia và chiếm ít diện tích hơn các thùng bia. Ở thời điểm này, người Anh đang gặp khó khăn trong việc mua rượu Brandy từ Pháp do hai bên đang có xung đột quân sự nên Rum dường như là lựa chọn tốt nhất thời bấy giờ.

 

Người ta cũng kể rằng ngay sau khi nước Mỹ giành lại độc lập từ Anh Quốc, những nhân vật cộm cán trong chính phủ đầu tiên đã uống tận 76 tô Punch để ăn mừng. Công thức đó cũng được ghi chép lại như sau: “4 thùng bia, 55 gallon (cỡ 208 lít ) rượu Rum, 59 pounds (tương đương 26 kg) đường và 465 trái chanh vàng.”

 

Đáng tiếc là sang thời kì Victorian, người ta bắt đầu uống rượu theo một phong cách khác và những món Punch dần rơi vào quên lãng. Charles Dickens cũng từng viết một bài đăng trên một tờ báo vào thời đó để kể về thời kì huy hoàng của những tô rượu Punch, khi mà chúng luôn được chuẩn bị sẵn và luôn trong tư thế phục vụ mọi người. Nhưng giờ đây thì chẳng ai còn nhớ tới chúng nữa. Một phần cũng là do người ta đã thay đổi lối sống khi mà thế giới đang ngày một phát triển. Việc cả ngày ngồi quây quần bên một cái bàn với một tô chứa rượu hổ lốn đã trở thành một thứ gì đó xa xỉ vô cùng. Khi mà người ta bận rộn kiếm tiền hơn thì việc uống rượu cũng trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Đến thời điểm Jerry Thomas – người được xem là ông tổ nghề bartender viết ra cuốn sách đầu tiên của mình, thì các món Punch dường như đã hoàn toàn biến mất.

 

Ở thế kỉ 21, bằng cách nào đó, các món Punch đang dần trở nên thịnh hành một lần nữa. Một thế hệ những người thích thưởng rượu mới đã và đang tận hưởng sự thú vị của những công thức Punch mới mẻ. Tại quán bar Dead Rabbit ở New York, các bartender phục vụ Punch như một “welcome drink” cho khách, trong khi đó, ở London, quán Punch Room – nơi mà chỉ bán các món Punch, là quán bar chuyên về Punch duy nhất trên thế giới từ thế kỉ 17 đến nay.

-T-

#cauchuyencocktail #punch

Lịch sử của “Punch” (phần 1)

Cocktail Punch Là Gì? 

Punch được xem là một trong những dạng cocktail có từ sớm nhất trong lịch sử nhân loại, và cũng là nền tảng cho vô số công thức cocktail về sau này. Một món Punch sẽ gồm có sự cân bằng giữa rượu mạnh, vị chua, vị ngọt, các loại gia vị và nước. Sử gia chuyên nghiên cứu về cocktail David Wondrich, đã viết trong tác phẩm “PUNCH” của ông về một giả thuyết mà ông đồng tình nhất nói về tên gọi của dạng thức uống này.

f:id:HPCViet:20191002165721p:plain

Cocktail Punch có từ rất sớm trong lịch sử nhân loại

*** (Ảnh: mô tả lại cảnh giới quý tộc thưởng thức một món Punch của họa sĩ William Hogarth)

 

Ông nói rằng người ta nghĩ Punch bắt nguồn từ ngôn ngữ Ấn Độ, có nghĩa là “Five” (số 5), ý chỉ số lượng nguyên liệu cấu thành một món Punch. Tuy nhiên Punch có thể có 4 nguyên liệu, hoặc 6 nguyên liệu, hoặc hằng hà sa số nguyên liệu bên trong chúng, vì thế mà David Wondrich không chắc chắn lắm về việc trên. Có một điều rằng Punch thường được phục vụ trong một cái thùng hay một vật chứa to, mà người ta hay gọi chúng là “punch barrel”. Do đó David cho rằng Punch chính là chỉ về mô tả của những loại thùng gỗ chứa rượu có hình dạng to bè với sức chứa 500 lít mà ngày nay người ta vẫn gọi là các thùng Puncheon.

Punch dành cho thủy thủ

Mặc dù vậy, ông vẫn khẳng định lại rằng đó chỉ là suy nghĩ của cá nhân ông, và những người uống các món Punch thời kì đầu tiên vốn dĩ là những thủy thủ và đa số họ đều không biết đọc hay viết, vì thế mà có thể miêu tả về Punch được viết ra từ thời đó có lẽ là sai lệch.

 

Chẳng ai biết được nhân vật nào là người sáng tạo ra món Punch đầu tiên trên thế giới, nhưng theo David, thì ông cho rằng chắc hẳn đó phải là một người Anh Quốc. Những ghi chép văn tự đầu tiên về Punch là trong một bức thư được gửi vào ngày 28 tháng 9 năm 1632 bởi một sĩ quan người Anh đồn trú tại Ấn Độ, trong đó ông hỏi thăm về người đồng nghiệp ở xa của mình và có nhắc đến việc uống các món “Punch”.

Công thức đầu tiên của những thức uống dạng Punch được ghi lại vào năm 1638 bởi một người Đức làm việc tại Ấn Độ, mà trong đó có ghi rằng:

“the workers there make a kind of drink consisting of aqua-vitae, rose water, juice of citrons and sugar.”

 

Chúng ta phải cũng cần hiểu rằng ở thời điểm đó những loại rượu mạnh vốn dĩ không phải như những thứ được sản xuất tỉ mỉ như bây giờ mà chúng rất thô sơ. Những chai rượu thời đó, phần nhiều là rượu Rum, là thứ gì đó rất gắt và vô cùng khó uống. Các món Punch ra đời như thể để làm dịu đi vị của chúng vậy.

 

Theo nghiên cứu của David Wondrich, ông chắc chắn rằng các thức uống dạng Punch đã xuất hiện thông qua con đường giao thương giữa Anh Quốc và Ấn Độ. Khi mà các thủy thủ người Anh hết cả bia lẫn rượu vang trên thuyền của họ, thì họ sẽ vô cùng khó chịu, vì người Anh là một giống dân uống rất rất nhiều rượu. Một ý tưởng được hình thành, đó là họ sẽ làm giả rượu vang từ các loại rượu mạnh. Đó cũng chính là lúc người Anh đặt chân đến vùng Đông Á và Nam Á, nơi mà rượu mạnh nhiều vô số kể.

 

Những loại rượu bản địa như Batavia Arrack ở Indonesia là một thứ vô cùng thích hợp cho việc này. Người Anh đem chúng về để biến chúng thành rượu vang bằng cách nào? Họ tăng tính acid của dung dịch bằng cách thêm nước chanh, sau đó sẽ cân bằng dung dịch đó bằng cách thêm đường cho đến khi nó đạt vị ngọt cần thiết, cuối cùng là thêm nước vào để làm loãng nó để đạt được nồng độ cồn ở mức tương tự như rượu vang. Ở thời đó, họ rất thích uống các loại vang có vị ngọt, và về cơ bản thì bạn có thể làm ra những thứ tương tự từ bất kì nguyên liệu gì có sẵn xung quanh bạn. Chính những thương gia người Anh đã khởi xướng cho cách làm này.

 

(còn tiếp...)

-T-

#cauchuyencocktail #punch

 

Falernum – Bảo vật Barbados

Falernum là gì?

Khi nói đến Falernum thì đối với những người trong ngành từ vài năm trước, nó đã trở thành một chủ đề được bàn tán vô cùng sôi nổi trên các diễn đàn mạng. Rất nhiều sử gia, bartender chuyên nghiệp, những nhân vật liên quan mật thiết đến ngành bar đã bỏ công đi tìm kiếm nguồn gốc thật sự của của nó.

f:id:HPCViet:20190930135449p:plain

Falernum là gì? Khám phá thế giới rượu

Gọi là rượu thì cũng có vẻ không đúng lắm, phải nói nó là một dạng syrup thì đúng hơn. Tuy nhiên trong nguyên liệu cấu thành của Falernum lại có rượu Rum. Dĩ nhiên là trên thị trường hiện tại vẫn có những loại syrup Falernum hoàn toàn không có cồn. Trong một thời gian đầu khi tôi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề ở xứ Úc này, thì cái tên Falernum dường như vẫn còn là một thứ gì đó bí ẩn, lảng tránh người khác, và cũng không nhiều người nghe hay dùng nó. Tuy nhiên hiện tại thì hầu như phần nhiều các bar chuyên về cocktail đều đã, hoặc đang sử dụng Falernum như một thứ nguyên liệu trong các món cocktail của họ.

Vậy Farlenum có nguồn gốc như thế nào ?

Cái tên Falernum bắt nguồn từ tên của một loại rượu từ thời La Mã cổ đại, gọi là “farlenian”, mà nếu phiên âm ra tiếng La Tinh thì chính là falernum. Mặc dù vậy, ai là người đã phiên âm ra Falernum và ai là người đã dùng nó để chỉ về thứ hỗn hợp này thì chẳng ai rõ. Có người cho rằng Farlenum được phát minh ở Barbados từ rất lâu rồi. Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times năm 1892 với một mẩu chuyện về nguồn gốc của Falernum. Bài báo ấy viết về công thức chế tạo một thức uống của một bà nội trợ người Barbados, và do bà nội trợ ấy nói chuyện bằng tiếng anh với giọng phiên âm bản địa, người phóng viên dường như đã cố gắng ghi lại từng lời từng chữ của bà ta, với nội dung đoạn ấy như sau:

“Once, when a woman was asked for the ingredients, she answered in the dialect,‘Ya ha fa-ler-n-um’.”

“Khi người phụ nữ được hỏi về các nguyên liệu, bà trả lời với giọng địa phương,‘Ya ha fa-ler-n-um’.”

Có lẽ đó là cách mà Falernum đã ra đời chăng ?

Sau khi nghiên cứu thêm, người ta lại phát hiện rằng từ năm 1890, ở đảo quốc Barbados đã có một người tên là John D.Taylor tuyên bố rằng mình là người phát minh ra Falernum và thương mại hóa nó. Và có nhiều người đã công nhận rằng đây mới chính là lý do mà Falernum bắt đầu được phổ biến rộng rãi. Mặc dù vậy, hiện tại người ta vừa tìm được thêm một số bằng chứng về các mẫu quảng cáo về một loại thức uống với các nguyên liệu gần như tương tự với Falernum từ tận năm 1828, tuy nhiên vẫn chưa hề có sự chứng thực nào với điều này.

Ngày nay khi nói đến Falernum thì phần nhiều người ta nghĩ đến nó như một loại syrup được dùng trong pha chế cocktail, tuy nhiên bạn có thể thưởng thức nó với đá cũng rất ngon. Trong phần dưới đây, tôi sẽ chia sẻ cách làm Falernum rất dễ dàng với các nguyên liệu hầu như đều có tại Việt Nam.

Công thức làm Falernum:

  • 1/3 cốc hạnh nhân thái nhỏ
  • 30 mẫu đinh hương
  • ½ cốc rượu rum trắng
  • 8 quả chanh (chanh xanh)
  • 2/3 cốc nước
  • ½ cốc đường trắng

1/ Mở lò nướng giữ cho nóng ở nhiệt độ 200 độ C, sau đó nướng hạnh nhân trong lò khoảng 5 phút hoặc cho đến khi chuyển màu sậm và có hương thơm. Tuyệt đối không được để hạnh nhân bị cháy. Sau khi nướng lấy ra để nguội trước khi sang các bước tiếp theo.

2/ Cho hạnh nhân, đinh hương vào trong một cái lọ. Tiếp tục cho rượu rum vào và đậy kín nắp. Lắc đều và để ở chỗ kín trong vòng 2 ngày (nếu muốn vị đinh hương nhẹ hơn thì chỉ cần ngâm 1 ngày là đủ).

3/ Bào lấy vỏ chanh, chỉ lấy phần vỏ màu xanh, hạn chế phần xơ trắng bên trong càng nhiều càng tốt. Cho vỏ chanh vào trong lọ. Đậy nắp và lắc đều. Để yên trong vòng 1 ngày. Sau đó lọc lấy phần chất lỏng. (Ở giai đoạn này bạn có thể cho thêm quế, gừng,...v.v tùy thích)

4/ Vắt nước từ 4 quả chanh và cho vào một cái nồi nhỏ. Cho nước và đường trắng vào nấu đến khi sôi và đường đã tan hết. Tắt bếp và để nguội, sau đó kết hợp với hỗn hợp chất lỏng đã lọc trước đó. Tiến hành lọc thêm một lần cuối để loại bỏ các cặn (nếu cần), và để Falernum ở yên trong khoảng 12 tiếng trước khi sử dụng. Bảo quản tốt thì có thể dùng trong vòng 2 tuần.

p/s: có rất nhiều phương pháp và nhiều cách phối hợp nguyên liệu để làm Falernum khác nhau, nhưng theo tôi cách này là dễ dàng nhất.

-T-

#cauchuyencocktail #falernum #recipe #liqueur

 

Aquafaba Là Gì? Chất Lỏng Từ Đậu Gà

Aquafaba – Thay thế lòng trắng trứng

Nếu nói về thứ nguyên liệu này vào khoảng thời điểm 4-5 năm trước, thì ai cũng cho rằng nó là một trò đùa. Aquafaba, hay chính là nước nấu từ đậu gà, là một thứ nguyên liệu mà không ai nghĩ rằng có thể tồn tại trong thế giới của những ly cocktail. Ấy vậy mà vào năm ngoái, tại sự kiện Tales of The Cocktail diễn ra thường niên tại New Orleans, Mỹ, thứ nguyên liệu diệu kỳ này đã được đưa vào danh sách các nguyên liệu pha chế đang tạo nên xu hướng mới trên thế giới.

f:id:HPCViet:20190925122443p:plain

Aquafaba thay thế lòng trắng trứng đơn giản mà lại ngon

Trong ngôn ngữ Latinh, Aquafaba có nghĩa là “bean liquid” (chất lỏng từ đậu), ý chỉ về thứ nước ta thường thấy trong các lon, hộp đậu gà được bán đầy rẫy ở siêu thị, và thường hay bị vứt đi vì người ta không hề biết đến công dụng của nó. Năm 2014, một vị đầu bếp người Pháp đã phát hiện rằng thứ chất lỏng ấy có thể dùng để thay thế lòng trắng trứng trong các món ăn, đặc biệt là các món ngọt. Cộng đồng những người ăn chay trường cũng từ đó đã dùng Aquafaba để tạo ra các thực phẩm không chứa trứng. Và cũng chẳng mất bao lâu để các bartender trên thế giới bắt kịp trào lưu này. Dần dần, họ nhận ra Aquafaba không chỉ có thể thay thế lòng trắng trứng trong các món cocktail mà chất lượng thành phẩm làm ra còn vượt trội hơn.

Câu chuyện về Aquafaba

Nói đến đây xin bàn lùi một chút về việc sử dụng lòng trắng trứng trong việc pha chế. Tôi biết có nhiều quán bar, hay hầu hết là đa số các bar trên thế giới mỗi tuần phải sử dụng một số lượng lớn lòng trắng trứng cho các món cocktail như White Lady, Whisky Sour, Pisco Sour…v.v.

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì lòng trắng trứng, khi kết hợp với các nguyên liệu khác trong quá trình lắc, sẽ tạo nên một lớp bọt mềm mịn, nổi trên bề mặt của thức uống, tạo nên một hiệu ứng mỹ quan rất đẹp. Tuy nhiên, sự hạn chế của việc này chính là ngày nay có rất nhiều người không thích mùi vị của trứng sống, có người dị ứng với trứng, hay thậm chí là một số người không thể sống với cái ý nghĩ rằng “tôi đang uống một thức uống có lòng trắng trứng sống vì nó thật kinh tởm.” Hoặc có những người theo chế độ trường chay, không muốn tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, mà trứng là một trong số đó.

Điều này tạo nên một sự khó khăn nhất định cho các bartender khi đã nhiều lần tôi chứng kiến một số khách hàng bĩu môi, e dè khi nhìn thấy nguyên liệu “lòng trắng trứng” được liệt kê bên dưới tên của thức uống trong menu. Đó là về phương diện khách hàng. Đối với giới pha chế, cũng có không ít người không chịu được cái mùi vị của lòng trắng trứng trong thức uống, vì bất kể bạn dùng cách nào đi nữa, trứng sống vẫn có cái mùi vị của trứng sống, và nó không phải là thứ mùi vị dễ chịu gì.

Ấy là chưa kể một số nơi khi họ thu thập lòng trắng trứng từ trứng nguyên quả, họ phải vứt đi lòng đỏ và vỏ trứng, vì họ không thể dùng chúng vào việc gì khác, tạo nên một lượng chất thải rất lớn. Rồi đến cả vấn đề giá cả, vì trứng tươi không phải là thứ sản phẩm rẻ.

Trong thời điểm 2 năm trở lại đây, nhờ sự nhận thức về việc bảo vệ môi trường tăng cao, cũng như phong trào sử dụng các thực phẩm không xuất phát từ động vật đang dần dần được nhiều người theo đuổi, các bartender ở phương Tây đã dần thay thế lòng trắng trứng với Aquafaba. Kết quả?Rất nhiều người đã nhận thấy rõ rệt sự khác biệt.

Cùng một món cocktail, lòng trắng trứng dường như lấy đi một phần hương vị của rượu, tạo nên sự thay đổi trong tổng thế mùi vị cuối cùng, nhưng Aquafaba thì không, mặc cho chúng cùng tạo ra một lớp bọt có kết cấu tương tự nhau trên bề mặt thức uống. Một vấn đề nữa mà ở đoạn trên tôi có nhắc đến, chính là mùi trứng sống. Với Aquafaba, bạn sẽ có được một thứ mùi hương dễ chịu hơn rất nhiều. Về giá cả, Aquafaba rẻ hơn trứng rất nhiều, đơn giản là vì chúng ta có thể dùng Aquafaba trong các sản phẩm đậu gà đóng hộp bán trong siêu thị, và chúng có thể được bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 4-5 ngày, trong khi đó lòng trắng trứng thì bạn phải thay mới mỗi ngày, vì vấn đề vệ sinh.

Sử dụng Aquafaba như thế nào?

Vậy thì bạn phải dùng bao nhiêu Aquafaba để thay thế cho lòng trắng trứng trong các công thức pha chế? Theo kinh nghiệm cá nhân, khoảng 2 muỗng (table spoon) Aquafaba sẽ có thể thay thế cho 1 lòng trắng của 1 quả trứng. Bạn có thể sử dụng tỉ lệ khác với tôi, nhưng mỗi người có một cách nhìn khác nhau về vấn đề này nên tôi sẽ không tự cho rằng cách của mình là đúng nhất.

Sau khi đọc bài này, tôi hi vọng mọi người sẽ cố đi siêu thị tìm mua một hộp đậu gà về và sử dụng thử Aquafaba. Âu cũng là một cách tiếp cận khác biệt đối với các công thức pha chế vốn yêu cầu lòng trắng trứng.

-T-

#cauchuyencocktail #ingredient #aquafaba #eggwhite #cocktail #nowastemovement

The Last Word Thức Uống Thời Prohibition Thập Niên 1920s

Ma mị từ tên gọi

The Last Word, cái tên đầy vẻ ma mị này là một trong những thức uống phổ biến nhất vào thời kì Prohibition, từ tận những năm đầu của thập niên 1920s. Hương vị chua ngọt, sắc bén với màu xanh tái không lẫn vào đâu được, The Last Word là lựa chọn tối ưu cho những ai muốn sống lại một thời kì tăm tối nhưng đầy huy hoàng của nước Mỹ thế kỉ trước.

f:id:HPCViet:20190920182638p:plain

The last word for life and soul

Cổ tích cocktail The Last word

Chẳng ai biết tác giả của món cocktail này, chỉ biết nơi xuất thân của nó vốn từ Detroit Athletic Club, một club độc quyền tọa lạc tại khu vực trung tâm của thành phố Detroit. Cũng chẳng ai biết tại sao người ta lại gọi món cocktail này là The Last Word cả. Các sử gia cho rằng dường như người ta đã uống The Last Word từ ngay khi thập niên 1920s bắt đầu, hoặc thậm chí là sớm hơn vài năm, và thức uống này đã tồn tại nhiều thập kỉ đến tận sau Đệ Nhị Thế Chiến, người ta vẫn còn phục vụ nó với một số lượng lớn. Năm 1951, trong tác phẩm Bottoms Up của Ted Saucier, ông đã đưa công thức pha chế The Last Word vào cuốn sách để đời của mình và dành được nhiều ưu ái từ giới mộ điệu. Tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó mà từ sau năm 1951 trở đi, cho đến hết thế kỉ 20 thì mọi người đều đã lãng quên nó.

 

Sự hồi sinh của The Last Word chỉ đến vào năm 2005, và cũng chính nhờ cuốn sách Bottoms Up xưa kia. Một bartender làm việc ở thành phố Seattle, Mỹ tên là Murray Stenson đã đưa The Last Word trở lại ánh hào quang. Ông kể lại rằng mình đang vô tình đọc cuốn Bottoms Up để tìm xem liệu có thể khám phá được thứ gì đặc biệt có thể cho vào menu của quán hay không. Dường như định mệnh an bài khiến ông lướt qua cuốn sách thật nhanh để rồi dừng lại ở ngay trang có công thức của The Last Word.

Thế là Murray Stenson quyết định làm theo ý trời, và mọi chuyện còn lại chỉ là lịch sử. The Last Word trở thành một trong những thức uống được giới hâm mộ cocktail bàn tán sôi nổi nhất, và danh tiếng của nó đã lan tới tận New York – thánh địa cocktail của nước Mỹ, và tại đây, The Last Word đã được cộng đồng pha chế đưa danh tiếng của nó lên một tầm cao mới. Vô số các biến thể của The Last Word được tạo ra, nhiều trong số đó đã gắn liền với tên tuổi của các bartender hiện đại.

Chính những câu chuyện như vậy khiến tôi luôn tự hỏi liệu trong những cuốn sách cũ kĩ đóng đầy bụi từ những thế kỉ trước kia còn đó bao nhiêu thứ tuyệt diệu như vậy nữa? Những công thức bị lãng quên, chờ đợi đến ngày được trở về ánh hào quang mà chúng xứng đáng được nhận ?

Một nét độc đáo mà tôi rất thích ở The Last Word chính là việc sử dụng Green Chartreuse. Nếu mọi người còn nhớ trong bài viết về Chatreuse của tôi cũng đã giới thiệu sơ về loại rượu thảo mộc với 130 nguyên liệu này. Chính nhờ sự hồi sinh của The Last Word mà các bar ở phương Tây đã dần cởi mở hơn với Chatreuse và họ bắt đầu phát huy công dụng của nó nhiều hơn. Thiết nghĩ thì khi mới đọc các nguyên liệu có trong The Last Word, chẳng ai nghĩ là chúng sẽ hợp nhau được: rượu Gin hăng, cay pha với hai loại rượu mùi có hương vị phức tạp, khó lường và nước chanh. Ấy vậy mà bốn thứ ấy lại có thể hòa quyện lại một cách đầy cuốn hút trong một thức uống như thế, thật khiến người ta nếu đã lỡ nghiện rồi thì không quay đầu lại được nữa…

Công thức pha chế The Last Word:

30ml rượu Gin
20ml rượu Green Chatreuse
20ml rượu Maraschino
20ml nước ép chanh xanh (lime juice)

Cho tất cả nguyên liệu vào bình lắc với đá và lắc đều rồi cho ra ly. Có thể trang trí với một miếng vỏ chanh, một quả cherry hoặc không trang trí tùy bạn.

À La Louisiane ra đời khi nào và tại sao rơi vào quên lãng

À La Louisiane – Cũ mà lại mới

À La Louisiane, hay còn có tên gọi khác là La Louisiane, hoặc De La Louisiane, là một trong những món cocktail rất nổi tiếng ở vùng New Orleans, Mỹ. Thực tế thì nó chính là món cocktail thương hiệu của nhà hàng La Louisiane, một địa điểm nổi tiếng được mở từ năm 1881.

Đây là một thức uống được tạo ra nhằm tôn vinh sự da dạng văn hóa của vùng New Orleans. Ta chỉ cần nhìn vào các nguyên liệu trong đó thì sẽ hiểu: Rye Whiskey (Mỹ), Absinthe và Benedictine (Pháp) và Sweet Vermouth (Ý), cộng với một chút tí Peychaud’s Bitter (vùng biển Caribbean).

Mô tả về La Louisiane

Chính vì sự pha trộn của nhiều loại rượu khác nhau đến từ những nguồn gốc khác nhau như thế mà hương vị của À La Louisiane cũng rất phức tạp và khó tả: cay, nồng, đắng, ngọt, thoang thoảng vị hoa hồi và hương của đất.

f:id:HPCViet:20190919180200p:plain

À La Louisiane đã từng chìm trong quên lãng

Cũng như bao món cocktail khác, chẳng ai biết nguồn gốc thực sự của À La Louisiane. Có người cho rằng nó là sự kết hợp giữa 2 món Sazerac và Vieux Carré, và thật sự, thì điều này cũng khá đúng. Sự tương đồng về nguyên liệu của Vieux Carré và À La Louisiane cũng đặt ra câu hỏi đau đầu cho giới mộ điệu cũng như các bartender: thứ nào ra đời trước ? Theo những người nghiên cứu về lịch sử cocktail thì họ cho rằng À La Louisiane có trước Vieux Carré. Vì nhà hàng La Louisiane được thành lập vào năm 1881, trong khi đó Vieux Carré chỉ xuất hiện từ năm 1933. Cộng thêm việc trong công thức gốc của À La Louisiane có rượu Absinthe, vì vậy mà chắc hẳn rằng nó xuất hiện sớm hơn, vì rượu Absinthe chỉ bị cấm vào năm 1912 đến năm 2007.

Với những món cocktail như thế, cái mà nó cần chính là một nơi chốn để nương mình. À La Louisiane không may mắn như những Sazerac hay Vieux Carré, vì vậy mà nó dần chìm vào quên lãng khi mà nhà hàng La Louisiane đóng cửa. Chỉ còn một số ít những café, bar ở vùng New Orleans giữ nó ở trong menu, như một hoài niệm. Thậm chí những người còn nhớ đến nó còn gọi đây là một thức uống hạng B, vì không có sức phổ biến đại chúng cao, cũng như chẳng ai còn biết hoặc nhớ tới nó đã từng ra sao nữa. Đến hai ba năm trở lại đây, thì À La Louisiane mới dần tìm được đường trở lại. Tôi hi vọng sẽ có nhiều người biết đến những món như vầy hơn, vì nó tuy cũ mà lại mới.

Công thức pha chế À La Louisiane:

45ml Rye Whiskey
22.5ml Benedictine
22.5ml Sweet Vermouth
½ bar spoon Absinthe
2 dash Peychaud’s Bitter

Cho tất cả nguyên liệu vào Mixing Glass và khuấy đều với đá đến khi lạnh. Cho vào ly cocktail hoặc ly coupe. Trang trí bằng quả cherry.

Mary Pickford Ông Hoàng Hollywood

Mary Pickford – “Hoàng gia Hollywood”

Có thể nói nghệ sĩ trẻ ngày nay ngoại trừ những người có tài năng thật sự thì phần còn lại đa số được biết đến từ những scandal, sự ảnh hưởng mạnh mẽ lên fan hâm mộ chẳng qua cũng chỉ là những tin đồn tình cảm, lối sống được truyền tải trên mạng xã hội.

f:id:HPCViet:20190917163443p:plain

Mary Pickford Câu chuyện về Hollywood

Vậy cái thời mà chưa có mạng xã hội, Internet, tốc độ cập nhật tin tức chưa đạt đến mức từng phút từng giây như bây giờ thì các nghệ sĩ nổi tiếng như thế nào ? Tài năng, sắc đẹp là lẽ đương nhiên, nhưng một cá tính riêng biệt, đam mệ thật sự cộng với năng lực tác động mạnh mẽ lên sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh lúc bấy giờ mới là lý do đưa tên tuổi của họ đi xa khắp nơi trên thế giới cũng như sống mãi như một tượng đài đến tận ngày nay.

Chẳng đâu xa xôi, ví dụ điển hình nhất mình muốn nói tới chính là Mary Pickford. Nữ diễn viên phim câm nổi tiếng và ngôi sao của hơn 50 bộ phim thời đó. Cô cùng với chồng là Douglas Fairbanks được mệnh danh là “Hoàng gia Hollywood” bởi họ là một trong những người đầu tiên truyền cảm hứng, đam mê mạnh mẽ cho hàng dài những celebrity sau này của Mỹ. Bên cạnh đó, Pickford còn được biết đến với cái tên “America’s Sweetheart”. Từng bước đi của cô luôn được mọi người dõi theo.

Lịch sử về ly cocktail Hoàng gia HollyWood

Như mình đã nói phía trên, nhan sắc không phải là lý do để tên tuổi của một người có thể sống mãi. Ngoài xinh đẹp ra, Pickford còn là Nhà sản xuất, đồng sáng lập hãng phim United Artists, một trong những thành viên sáng lập của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh. Cô thực sự là một thế lực có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp điện ảnh.
Và hoàn toàn hợp lý khi một nhân vật có sức ảnh hưởng như vậy có một ly Cocktail được đặt theo tên cô để vinh danh. Bartender Fred Kaufman đã làm điều đó vào đầu những năm 1920. Anh đã sáng chế ra một loại Cocktail ngọt ngào mang tên Pickford trong chuyến thăm của vợ chồng cô cùng Charlie Chaplin tại quán bar Havana của anh ta.

Công thức của Mary Pickford xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1928, trong cuốn “When it’s cocktail time in Cuba” của Basil Woon. Mary Pickford thật sự đã mô tả thành công hình tượng của cô nàng. Sắc hồng diệu nhẹ của Grenadine, hương vị trái cây ngọt ngào từ nước ép thơm cũng như ấn tượng ban đầu của mọi người về cô. Nhưng khi bạn nếm, sự đậm đà, mạnh mẽ từ rượu Rum nồng nàn trong khoang miệng, kéo dài tận mốt lúc sau đó. Trong khi phiên bản gốc là hai phần bằng nhau của rượu Rum và nước ép thơm thì những phiên bản hiện đại đa số các bartender đều muốn cắt giảm phần ép thơm để làm nổi bật thêm nền rượu Rum. Ngoài ra nước ép chanh được thêm vào một lượng nhỏ để tạo sự cân bằng, hài hoà hơn cho ly cocktail.

Công thức pha chế Mary Pickford:

  •  Rum : 40ml
  •  Nước ép thơm : 30ml
  •  Maraschino liqueur : 5ml
  •  Grenadine : 5ml
  •  Nước chanh : 5ml

Cho tất cả nguyên liệu vào bình lắc và lắc đều với đá. Sau đó strain ra ly coupe lạnh.

Trang trí :
Quả cherry

-Bri-

P/s : Công thức bên trên là phiên bản hiện đại nhé! Nếu mọi người muốn thử bản gốc thì chỉ việc dùng 40ml thơm và không thêm chanh thôi.

Nguồn: Câu Chuyện Cocktail.